Mình vừa tham gia một kỳ thực tập dài 2 tháng tại công ty Sporty Mind, tuy ngắn ngủi nhưng đủ để mình có cái nhìn sâu sắc về ngành Biên-Phiên dịch mà mình theo học. Đây quả thật là khoảng thời gian tuyệt vời để mình và các bạn cùng ngành có cơ hội tích lũy những kinh nghiệm mới từ thực tế và trau dồi kĩ năng dịch thuật cũng như những kĩ năng mềm được học trên ghế nhà trường.
Suốt 8 tuần thực tập, một vài điều đối với mình tưởng chừng đã rất thân quen nhưng lại mang đến những điều mới lạ. Đầu tiên, phải kể đến việc mình rất may mắn khi được thực tập dưới sự chỉ dẫn của một giảng viên trong Khoa Ngoại ngữ là thầy Tín (thầy Trưởng khoa), người mà trước đây mình chưa từng nghĩ sẽ được làm việc cùng dù đã từng học với thầy. Nói thật, thầy lúc hướng dẫn nhóm thực tập tụi mình khác lúc thầy trên bục giảng lắm. Thầy luôn giúp tụi mình hiểu rõ những điều mơ hồ, góp ý chân thành những lỗi sai với sự hài hước; do vậy, mỗi thành viên trong nhóm thực tập đều cảm thấy thoải mái nói ra ý kiến của mình mỗi khi có họp nhóm. Bên cạnh đó, mình còn được trải nghiệm kỳ thực tập cùng 3 thực tập sinh khác. Họ là những người bạn đại học rất thân của mình và chính họ đã cho mình biết những đồng nghiệp thực sự là thế nào. Không những hỗ trợ nhau về công việc, hằng ngày tụi mình còn đi làm cùng nhau, ăn trưa cùng nhau và tan làm cùng nhau nữa. Ngoài ra, công việc biên dịch tài liệu, tuy đã được thực hành từ lúc học, nhưng mình nhận ra được nhiều điều thú vị hơn từ kỳ thực tập. Quy trình để dịch một bài thật là không khác gì so với lúc học, điểm khác lạ nằm ở chỗ là bài dịch mình được giao gồm những thứ mình chưa tiếp xúc nhiều, từ cách hành văn đến cấu trúc bài và từ ngữ. Thoạt đầu đó có lẽ là thử thách với mình, tuy nhiên, nhờ vậy mà mình có cơ hội tự kiểm tra lại kiến thức đã học và từ đó trau dồi và mở rộng vốn kiến thức để chuẩn bị cho tương lai tốt hơn.
Với mình, khoảng thời gian cuối của thời sinh viên mà được thực tập với thầy giáo và những người bạn thân trong một môi trường làm việc linh hoạt như vậy thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ.
Nguyễn Thị Huyền Trang
- 1 view
Viết bình luận