Ngày 14/7 tại Boston, một thẩm phán liên bang đã thông báo rằng chính quyền Trump đã hủy bỏ chính sách cấm sinh viên quốc tế tiếp tục ở lại Mỹ nếu họ chỉ học trực tuyến.

Quyết định hủy bỏ này được đưa ra sau hơn một tuần khi Cơ quan Di trú và Hải quan thông báo rằng sinh viên tại các trường chỉ học trực tuyến do đại dịch COVID-19 sẽ phải rời khỏi Mỹ hoặc chuyển trường khác.

Hai ngày sau khi chính sách cấm du học sinh ở lại Mỹ nếu chỉ học trực tuyến được đưa ra, trường Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã nộp những đơn kiện đầu tiên nhằm chống lại chỉ thị mà họ cho là "độc đoán, thất thường và mang tính lạm quyền".

Hàng chục trường đại học khác cũng đã ký một bản tóm lược để hỗ trợ cho động thái này. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tư pháp của ít nhất 18 tiểu bang, bao gồm cả Massachusetts và California, cũng đã nộp đơn khởi kiện.

Nỗ lực chống lại chỉ thị đã thúc đẩy không chỉ sinh viên quốc tế, mà cả cộng đồng nơi họ sinh sống tạo ra sự bùng nổ về các bản tóm tắt amicus và các vụ kiện bổ sung nhằm chỉ trích Cơ quan Di trú và Hải quan đang cố gắng buộc các trường học mở lớp trong khi các ca mắc COVID-19 ở Mỹ vẫn tiếp tục tăng.

Phát biểu trên CNN, David Leebron – Hiệu trưởng Trường Đại học Rice cho biết ông "rất vui mừng" trước quyết định hủy bỏ chính sách này.

Thussu, một sinh viên năm cuối trường Đại học California tại Berkeley và hiện là chủ tịch Hội Sinh viên Quốc tế của trường, đã gọi tin tức hôm thứ Ba là “sự nhẹ nhõm”. Thussu cho biết cô không tin vào mắt mình khi nhìn thấy tin này xuất hiện tràn lan trên Facebook vào chiều thứ Ba. Ngay lập tức, cô bắt đầu nhắn tin cho bạn bè, cố gắng xác minh những gì đã xảy ra.

Nguồn: Theo BBC, CNNSCMP

Dịch bởi Trương Nhật Trà My