Ngày 25 – 27 tháng 10 năm 2024, Khoa Ngoại Ngữ trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (SPKT) và Khoa Ngoại Ngữ Đại học Cần Thơ (CT) đã phối hợp tổ chức thành công Hội trại khám phá văn hoá mùa 4 tại thành phố Cần Thơ, mang đến cho 55 trại sinh một chuỗi hoạt động và trải nghiệm đáng nhớ.

Đúng với sứ mệnh của CDC, tại mùa 4 này, các trại sinh đã có cơ hội khám phá vô vàn kiến thức bổ ích về lịch sử, địa lý, văn hoá của vùng đất “gạo trắng - nước trong” này. Những kiến thức được chia sẻ bởi chính người bản địa, đưa các em đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Dự án 1: Làm quen
Ấn tượng đầu tiên đọng lại trong lòng 45 trại sinh SPKT chính là sự mến khách của con người Cần Thơ, các bạn trại sinh CT chào đón đoàn với tất cả sự chân thành và hiếu khách.

Welcome
Trại sinh Cần Thơ chờ đón đoàn SPKT

Điểm đặc biệt của hội trại CDC chính là sự đồng hành, theo sát từ các giảng viên trong các chuỗi hoạt động khám phá của các em sinh viên, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và an toàn.

Dr.DTT

TS. Đặng Tấn Tín - Trưởng Khoa Ngoại ngữ - ĐH SPKT TPHCM trao quà cảm ơn cho PGS. TS. Phương Hoàng Yến – Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ - ĐH CT

GV
Đoàn giảng viên SPKT dẫn đoàn nhận quà lưu niệm từ ĐH Cần Thơ

Dự án số 2 và 3: Khám phá lịch sử và thắng cảnh

Vô vàn  điều mới mẻ đã mở ra trên chiếc thuyền đưa đoàn đi thăm quan sông nước nói chung và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – chợ nổi Cái Răng nói riêng.

Floating market

Đoàn trải nghiệm chợ nổi Cái Răng, thưởng thức hủ tíu “dập dềnh” trên con sóng

“Thật thú vị, giờ đây em hiểu ra mùa nước nổi là điều người dân bản địa mong đợi, vì nước về là tôm cá sẽ về. Trước đây, em chỉ nghĩ nước lên sẽ ảnh hưởng mùa màng của địa phương”

Một trại sinh chia sẻ

 

Đến Cần Thơ, các bạn cảm nhận được sức sống và kỹ năng thích nghi mãnh liệt từ con người nơi đây. Chiếc thuyền là nhà, cũng chính là ao vịt, là nơi che chở cho các gia đình. Mọi sinh hoạt, mưu sinh của 2-3 thế hệ diễn ra tại đây.

Life on boats

Đoàn tận mắt chứng kiến ao vịt trên thuyền

Chiếc thuyền rẽ sóng, chở đoàn đến làng hủ tỉu thủ công 42 năm tuổi mang tên Chín Của. Lò hủ tíu “ba đời” này được ông Chín và các người con nâng niu, gìn giữ, kiên quyết bảo vệ món ăn truyền thống, nét đặc trưng của sợi hủ tíu Cần Thơ giòn, dai, thanh mảnh.

Noodle making house

Ông Chín hướng dẫn trại sinh tráng bánh

Vượt qua chiếc cầu khỉ lắt léo, đoàn đến vườn ca cao của ông Mười Cương. Khó có thể tin được, ông Mười năm nay đã gần 80, nhưng có thể thuyết trình về quy trình làm ca cao thủ công một cách lưu loát bằng tiếng Anh. Ông đã truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên, để tiếp tục cố gắng học hỏi và theo đuổi đam mê của mình.

Cocoa

Ông Mười Cương thuyết trình bằng tiếng Anh về quy trình làm sô-cô-la bằng tay.

 

Dự án số 4: Tham quan trường ĐH Cần Thơ

Tại ngôi trường Cần Thơ xinh đẹp, các bạn trại sinh đã vô cùng ấn tượng với sự hiện đại xen lẫn cổ điển nơi đây - những toà nhà, lớp học sôi động xem giữa những hàng cây thẳng tắp hơn 50 năm tuổi, bình thản chứng kiến sự trưởng thành của bao thế hệ sinh viên.

CTU

Đoàn đến thăm trường ĐH Cần Thơ

Buổi công chiếu

 Closing Ceremony

Đoàn chụp hình lưu niệm trước khi kết thúc hội trại

Buổi công chiếu không chỉ “kể” lại hành trình qua những thước phim do chính tay các trại sinh tỉ mẩn biên soạn, trau chuốt, mà còn giúp các em gợi lại bao niềm vui, kỷ niệm tươi đẹp vừa qua trong sự kiện ba ngày vừa qua. Ai nấy đều bày tỏ sự luyến tiếc về hội trại “tuy ngắn mà dài” này. “Ngắn” bởi thời gian vỏn vẹn ba ngày hai đêm, “dài” bởi lượng bài học mới mẻ nhiều như hàng tháng tích góp lại, mang đến bao điều thú vị cho các em.

Nhìn lại chương trình, các trại sinh đều thể hiện sự hào hứng với hội trại. Chính sự “đắm mình” vào văn hoá bản địa một cách chân thực đã thổi bùng lên đam mê khám phá, giúp nối dài thêm hành trình học hỏi của các em. Hy vọng sự kiện sẽ giúp các em được tiếp sức, bước ra khỏi vùng an toàn của mình, khám phá thêm những chân trời mới!