“Keep her”, đó câu nói từ bác chuyên gia người Canada khi nói chuyện với Tổng Giám Đốc sau khi biết tôi xin nghỉ việc. Chỉ 2 từ đơn giản vậy thôi nhưng thực sự đã khiến tôi rất xúc động, rằng năng lực của tôi đã được công nhận, sau rất nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ.
Năm 2008, với tâm thế là một sinh viên vừa rớt Nguyện vọng 1 (NV1), tôi vào Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (SPKT), ngành Sư phạm Tiếng Anh Kỹ thuật theo Nguyện vọng 2 (NV2). Với tâm thế tự ti và bất cần đó, tôi thực sự đã không tìm hiểu rõ ngành học này, chỉ đồng ý đăng ký theo lời tư vấn của người khác. Lúc đó tôi không biết là 4 năm học ở SPKT có thể thay đổi bản thân tôi nhiều đến vậy. Với nền tảng tiếng Anh sẵn có, tôi không gặp quá nhiều khó khăn với chương trình học, nhưng những ngày đầu tôi cảm thấy rất cô đơn. Mặc cảm vì rớt NV1, tôi nghĩ rằng các bạn đậu NV1 vào trước tôi đã rất giỏi rồi, đã quen thân với nhau rồi, đã biết thầy biết cô hết rồi, tôi vào học chắc không hòa nhập liền được đâu... Nhưng những gì tôi trải nghiệm thực tế lại khác hoàn toàn. Các bạn trong lớp đều rất thân thiện, cũng phải thôi, hầu hết sinh viên đều là dân tứ xứ khăn gói đến Sài Gòn học đại học, có lẽ vì thế nên chúng tôi phần nào đã có một điểm chung mà dễ thông cảm và hiểu nhau hơn. Các thầy cô trong khoa cũng rất dễ gần, và luôn sẵn sàng hỗ trợ sinh viên, thậm chí đôi khi tôi nghĩ thầy cô cũng như những người bạn mà sinh viên bọn tôi có thể chia sẻ mọi điều. Chúng tôi học cùng nhau, ăn cùng nhau, ngủ trưa trong lớp cùng nhau, cùng khóc cùng cười với nhau, cứ thế mà 4 năm đại học trôi qua như một cái chớp mắt. Rồi cũng đến lúc chúng tôi thực tập sư phạm để làm thầy cô giáo. Những ngày đầu bỡ ngỡ hồi hộp, chúng tôi í ới nhau khi soạn giáo án, chúng tôi hỏi ý kiến nhau về những phương pháp sư phạm trong lớp, chúng tôi luyện tập giảng bài trước mặt nhau để tập làm quen với những tiếng cười khúc khích bên dưới. Rồi đến những ngày đứng lớp chính thức, chúng tôi đã vận hết công lực để có thể giảng bài một cách tự tin trước những sinh viên chỉ kém mình có vài tuổi. Lại thêm những khoảnh khắc cùng khóc cùng cười với nhau sau những buổi đứng lớp như vậy. Đó là những tháng ngày thanh xuân tươi đẹp mà tôi vẫn luôn ao ước mình có thể quay lại để sống trọn vẹn hơn.
Năm 2012, tôi ra trường và ngay lập tức đi làm cho một công ty tư nhân. Với vốn kiến thức được trang bị từ 4 năm học, với kinh nghiệm biên phiên dịch tích lũy từ những năm cuối đại học và kinh nghiệm quản lý câu lạc bộ Anh Văn StepUp! của Khoa, tôi dần dần tiến từng bước về phía trước với rất nhiều nỗ lực và cả may mắn. Mỗi công ty tôi làm đều là nơi đã dạy cho tôi rất nhiều điều về cách đối nhân xử thế, cách thể hiện năng lực, cách để mình được tôn trọng và cách để vươn lên sau mỗi lần thất bại. Hai năm sau khi ra trường, tôi thử sức mình với vai trò quản lý trong một công ty của Đức, vai trò mà tôi đã phải lấy hết dũng khí mới có thể can đảm nộp hồ sơ vào. Tôi đi qua từng vòng phỏng vấn với nhịp tim nhanh chưa từng thấy, với những câu hỏi cần suy nghĩ thật cẩn trọng, và cuối cùng là một bản hợp đồng với mức lương cao hơn tôi mong đợi sau hai năm ra trường. Đó cũng là quãng thời gian tôi vắt kiệt sức lực để tranh đấu và chứng minh năng lực của mình, để vượt qua mọi khó khăn mà đôi lần đã khiến tôi muốn bỏ cuộc, để thu nhặt về cho mình những kinh nghiệm quý giá được đánh đổi không chỉ bằng thời gian mà cả mồ hôi và nước mắt. Trong những công ty sau này, tôi đều luôn cố gắng hết mình dù là việc nhỏ nhất, có lẽ vì thế mà tôi được công nhận không chỉ bởi đồng nghiệp mà cả những người quản lý cấp cao ở mỗi công ty mà tôi đã làm qua.
12 năm kể từ ngày bước chân vào Khoa Ngoại ngữ, hiện giờ tôi lại đang tiếp tục hành trình khám phá bản thân mình trong một bối cảnh hoàn toàn khác với những gì tôi đã làm trong suốt thời gian qua. Một đất nước khác, một ngành nghề khác, một vai trò khác. Tất cả đôi lúc khiến tôi choáng ngợp, nhưng cũng khiến tôi vô cùng hào hứng. Tôi vô cùng biết ơn quãng thời gian 4 năm ở Khoa Ngoại Ngữ SPKT mà tôi đã thỏa sức tung hoành, tôi biết ơn những người thầy người cô đã trút hết tâm huyết của mình để dạy chúng tôi những kiến thức đi theo chúng tôi mãi về sau, tôi biết ơn cả những khó khăn mà mình đã gặp phải, để tôi có được mình như ngày hôm nay.
Nếu được phép chia sẻ với các bạn sinh viên mới, tôi sẽ khuyên các bạn rằng:
- Stay hungry. Stay foolish (Steve Jobs). Hãy luôn sống khát khao, hãy luôn sống dại khờ. Đừng bao giờ ngưng tìm kiếm và học hỏi những điều mới mẻ, đừng coi thường những điều giản đơn trong cuộc sống. Bởi vì không ai biết được rằng những điều nhỏ nhoi ấy có thể đưa bạn đến một chân trời xa như thế nào.
- Khi làm bất cứ việc gì, hãy luôn cố gắng hết sức có thể. Cho dù là gõ một văn bản word, hay làm một bảng tính excel, hãy chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhất: còn lỗi chính tả hay không? Có bị lỗi format hay không? Khi làm slides thuyết trình, hãy chú ý xem layout có đồng nhất hay không, hiệu ứng animation có hợp lý hay không? Đừng chỉ chú trọng vào nội dung mà quên đi hình thức bên ngoài, vì những lỗi nhỏ nhặt đó có thể khiến cho mọi công sức của bạn tan thành mây khói.
- Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hãy tận dụng mọi cơ hội để tích lũy kinh nghiệm và kiến thức. Cố gắng xin được một công việc làm thêm có ích cho ngành nghề tương lai của mình (dĩ nhiên vẫn phải đảm bảo thành tích học tập ở trường), nếu không, hãy viết blog, hãy tìm hiểu những kiến thức mới, và chia sẻ những điều mình đã học được. Bởi vì Sharing is Learning (Sẻ chia là học hỏi).
- Tham gia các câu lạc bộ học thuật ngoại khóa là cơ hội rất tốt để phát triển kiến thức và kỹ năng mềm, và mở rộng mối quan hệ để có thể gặp được những người bạn cùng chí hướng, cùng nhau học tập và thành công.
- Đừng bao giờ bỏ qua bất kỳ một cơ hội nào dù là nhỏ nhất. Hãy tận dụng mọi cơ hội để thử thách bản thân mình, cho dù bản thân mình thấy rằng chỉ có 1% thành công. Biết đâu 1% đó có thể biến thành 99% nếu bạn thực sự cố gắng? Take it or leave it (Đương đầu hay từ bỏ), đó là lựa chọn của bạn.
- Điều cuối cùng, nếu trang bị cho bản thân một vốn tiếng Anh đầy đủ thì sẽ không bị thụt lại phía sau, đó là điều chắc chắn. Cho dù bạn học ngành Biên Phiên dịch hay là lựa chọn con đường Sư phạm, hãy luôn đảm bảo nắm vững mọi kiến thức mà thầy cô truyền dạy. 4 năm đại học chính là khoản đầu tư lớn nhất mà bạn dành cho tương lai của mình, hãy luôn cố gắng hết sức, đừng chỉ học cho qua môn để rồi sau này phải hối tiếc, nhé?
PHAN TỐ LINH
Cựu Sinh viên Khóa 2008
- 379 views