ccBước chân vào giảng đường đại học với kinh nghiệm dạy kèm vài đứa nhóc cùng xóm, tôi ngơ ngác với môi trường học tập hoàn toàn mới lạ và những lo lắng rất đời thường từ nơi ăn chốn ngủ đến những niềm trăn trở về quá trình học tập trong tương lai. Tôi từng rất tự ti, không dám phát biểu trước đám đông, không tự tin vào khả năng Tiếng Anh của mình vì lo sợ các bạn khác và thầy cô sẽ đánh giá và chê cười một đứa sinh viên từ nhà quê mới lên thành phố như tôi.

Điều tôi lo lắng nhất cuối cùng cũng diễn ra. Thuyết trình là một loại “đặc sản” theo chúng tôi suốt 4 năm đại học, là nỗi ám ảnh trong những buổi đầu vụng về, ngơ ngác không biết nói gì, chỉ biết đọc “slide”. Nhưng rồi, những lo lắng của tôi dần tan biến khi xung quanh tôi là những người bạn rất thân thiện và đáng yêu, là những thầy cô hết sức tận tình, luôn đặt cái tâm của mình đến sinh viên, thấu hiểu và cảm thông cho những vấn đề mà tôi và các bạn còn vướng mắc. 

Trong suốt quá trình học ở Khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, tôi may mắn được học cùng những người bạn hợp ý, cùng nhau tiến bộ từ những ngày thuyết trình, làm bài nhóm lơ ngơ với vô vàn thiếu sót để rồi từ đó quyết tâm, cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa. Từng lời nhận xét, góp ý của thầy cô cũng như các bạn luôn in sâu vào tâm trí tôi, thôi thúc tôi cố gắng không ngừng để rồi có một ngày tôi nhận ra thuyết trình thì ra không đáng sợ đến thế. Thậm chí, giờ đây nó đã trở thành thế mạnh của tôi, nhất là trong những cuộc họp phụ huynh thường niên, tôi có thể tự tin và thoải mái chia sẻ quan điểm và phương pháp dạy học của mình một cách dễ dàng. Tôi cũng thường được Hiệu trưởng nêu gương cho mọi người về phong cách trình bày, trao đổi cùng phụ huynh. Những lúc như thế, tôi luôn thầm cảm ơn thầy cô đã tạo điều kiện hết sức có thể cho chúng tôi được rèn luyện kỹ năng thuyết trình và trình bày trước đám đông, nhất là trong môn học Public Speaking của cô Hứa Trần Phương Thảo

Thời gian thấm thoát thoi đưa, gói ghém kinh nghiệm từ những lần dạy kèm, những kinh nghiệm quý báu khi dạy ở trung tâm, tôi bước vào kỳ Thực tập Sư phạm đáng nhớ nhất trong đời. Lúc này, tôi đã tự tin vào khả năng trình bày trước đám đông của mình cũng như nắm vững về các phương pháp dạy học trong môn Methodology đã được thực hành rất nhiều lần ở năm 3. Thế nhưng, dạy học không chỉ đơn giản là nắm vững kiến thức chuyên môn trên sách vở. Tôi lại được trau dồi khả năng sư phạm và học được thêm kỹ năng quản lý lớp học tuyệt vời của cô Trần Thị Phương Ly – giảng viên trực tiếp hướng dẫn tôi. Tôi luôn chuẩn bị kỹ càng trong từng tiết dạy, chăm chút soạn giáo án sao cho hiệu quả và hợp lý. Thế nhưng, những tiết dạy đầu tiên trên giảng đường chỉ dừng lại ở mức thuyết trình. Tôi lại cảm thấy trăn trở, suy nghĩ cặn kẽ từng chi tiết nhưng vẫn không nhận ra được lý do tại sao tiết học của tôi lại không mượt mà và hiệu quả. Cuối cùng, với sự góp ý của cô Ly, tôi cũng đã nhận ra rằng, những tiết dạy của tôi chỉ đơn giản là đưa kiến thức đến cho sinh viên mà chưa thật sự lấy họ làm trung tâm, chưa trao cho họ cơ hội thực hành những kiến thức được học. Bài học này theo tôi đến tận thời điểm hiện tại, trong từng tiết dạy và trong từng khoảnh khắc, tôi luôn hướng đến học sinh và chú trọng vào việc học sinh học được gì sau từng tiết học hơn là phải đảm bảo chạy đúng tiến độ chương trình học. Cũng nhờ vào điểm này mà kỹ năng quản lý lớp học của tôi được tối ưu hóa. 

Hiện tại tôi đang giảng dạy tại Vinschool, và vinh dự được cấp trên khen ngợi về kỹ năng sư phạm cũng như kỹ năng quản lý lớp. Tôi rất vui khi được cấp trên tín nhiệm, giao cho tôi nhiệm vụ dẫn dắt nhiều giáo viên khác về phương pháp giảng dạy và quản lý lớp học. Kỳ thực tập sư phạm của trường mình tuy không dài, nhưng đã giúp tôi nhận ra định hướng giảng dạy của mình trong tương lai, cũng như học được nhiều kinh nghiệm từ các giảng viên có kinh nghiệm và thậm chí là học từ bạn bè và học sinh của chính mình. Giờ đây, tôi đã trở thành một cô giáo Tiếng Anh “dữ dằn” trong mắt đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh, “dữ dằn” về cả chuyên môn lẫn về kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm. Muốn biết tôi “dữ dằn” thế nào, mời mọi người vào trường tôi hỏi “Ms. Phụng” như thế nào nhé!

vvzv

Tôi tặng cho các bạn khóa sau, nhất là những bạn có định hướng theo Ngành Sư phạm Anh sau khi ra trường 3 chữ:

  • TÂM: yêu nghề, hướng đến học sinh, có như vậy thì mới dồn hết được TRÍ, LỰC vào giáo dục
  • TRÍ: vững vàng chuyên môn, sáng tạo, nhạy bén, thuần thục kỹ năng mềm, ứng dụng được công nghệ thông tin vào giảng dạy.
  • LỰC: nỗ lực, cố gắng vượt lên chính mình, nuôi dưỡng nguồn năng lượng tích cực, dám chấp nhận thử thách, nhìn nhận sai lầm.

Tôi vẫn đang trong quá trình hoàn thiện bản thân mình để đạt được phiên bản tốt nhất của chính mình. 

Chúc cho các bạn khóa sau sẽ có đủ TÂM-TRÍ-LỰC để trở nên “dữ dằn” hơn nữa, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình các bạn nhé. 

Nguyễn Lê Hoàng Phụng
Cựu sinh viên Ngành Sư phạm tiếng Anh -  Khóa 2014