Trần Kiều Trang - Cựu sinh viên khóa 2008
Trần Kiều Trang, Khóa 2008

PHẦN 1: KHÔNG LỰA CHỌN THEO SỐ ĐÔNG

Mẹ là người ảnh hưởng nhiều nhất đến con đường học tập của tôi. Là một giáo viên về hưu, mẹ luôn định hình cho tôi rằng: "Con phải học lên cao nữa."

Lần đầu thi Đại học mà tôi chỉ đậu Cao đẳng Kế toán nên mẹ vẫn luôn động viên tôi tiếp tục thử sức năm sau thi lại. Vừa học Cao đẳng vừa ôn thi ĐH, lần thứ 2 thi tôi vẫn không đậu vào ngành ĐH mình chọn, nhưng tôi đậu nguyện vọng 2 vào ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật - ngành Ngôn ngữ Anh.

Đó là lần đầu tôi phải đưa ra một quyết định lựa chọn cho mình, chọn ngành Ngôn ngữ Anh hay tiếp tục với ngành Kế Toán - chỉ còn 2 năm để hoàn thành và có thể đi làm. Tôi tham khảo ý kiến người thân.

  • Anh Hai tôi nói: Tiếng Anh cũng chỉ là công cụ mà thôi, học thêm ở Trung tâm là được rồi.
  • Anh Ba tôi nói: Học ở Trung tâm mãi đã được gì đâu.
  • Bố Mẹ tôi bảo: Thôi học kế toán ra dễ xin việc.
  • Bạn thân thứ nhất của tôi bảo: Kế toàn là ngành làm với con số, Ngoại ngữ là ngành làm với chữ và giao tiếp xã hội, mày coi mày có phải người xã hội không? (Công nhận nhỏ bạn mình hồi đó nhìn nhận thật sắc bén và sâu xa)
  • Bạn thân thứ hai của tôi nói: Học Anh văn đi mai mốt ra dạy cho tao.

Rồi đến đêm cuối để quyết định, tôi ngồi một mình suy nghĩ, những lời nói của mọi người văng vẳng trong đầu óc, nhưng tôi gạt đi tất cả, bởi một lời nói lớn hơn trong đầu "Tôi không muốn đi theo số đông." Giờ này ra đường gặp 10 sinh viên thì tới 8 đứa đang học Kế toán. Tôi không muốn tìm kiếm sự đồng điệu với số đông, tôi muốn chọn một con đường ít ai đi, chỉ cần nó không phải là lựa chọn của số đông.  

Mặc dù ngày đó tôi chưa bao giờ tưởng tượng mình sẽ là một cô giáo hay hi vọng, hình dung về điều đó mặc dù mẹ tôi là một giáo viên. Vì tính tình tôi thích phiêu lưu, tôi từng nghĩ giáo viên là nghề an nhàn chẳng có gì hấp dẫn, nhưng cuối cùng thì tôi lại chọn trường Sư phạm, lí do chỉ vì đó là điều ít người chọn lúc bấy giờ...

Nhưng cho tới bây giờ, tôi chưa bao giờ hối hận với lựa chọn đó. Lựa chọn rời bỏ số đông. Rời bỏ số đông để tìm thấy chính mình.

PHẦN 2: CHỦ ĐỘNG TẠO RA HOÀN CẢNH 

Tôi có người bạn cũng học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (SPKT), hôm sau tôi gọi cho bạn ấy, bạn ấy dẫn tôi đến trường tham quan một vòng và để làm hồ sơ nhập học.

Ngoài cổng ồn ào các hoạt động chào đón Tân Sinh viên, những câu lạc bộ, đội nhóm rất sôi nổi. Về sau tôi mới thấy rằng SPKT hoạt động đội nhóm rất tốt, không một ngày nào mà trường không có event của CLB này hay CLB khác. Sinh viên được phát triển từ đây chứ không chỉ có mỗi kiến thức họ học được.

Vào bên trong khung cảnh trường quá thoáng đãng và xanh mát như một công viên, có khu nhà màu vàng từ thời Pháp, rồi có khu nhà toàn bằng gỗ, rồi khu tự học có những bộ bàn ghế đá rải rác trên thảm cúc vàng mênh mông. Trời lại mưa lất phất khiến những hàng hoa sứ trắng rụng khắp lối đi. Với khung cảnh và những con người như thế, tôi thêm củng cố cho quyết định của mình. Cho tới sau đó, những ngày ngồi học trong giảng đường, tôi vẫn hay thả hồn ra cửa sổ và thầm nhủ: "Trường học thôi có cần phải đẹp vậy không chứ??!!!"

Những ngày đầu nhập học, tôi thầm nhủ rằng nếu đã chọn một điều gì, thì phải chủ động tìm cách yêu lấy nó, làm cho nó trở nên ý nghĩa với mình. Đằng nào cũng sẽ hết gần 5 năm cho hành trình này, thay vì cứ hỏi không biết ra trường sẽ thế nào, làm gì, ra sao thì hãy tạo ra những niềm vui và nỗ lực hết mình trên hành trình, để thấy yêu hành trình của mình.

Với suy nghĩ đó, những ngày đầu nhập học, tôi thường lang thang trong trường tìm kiếm điều gì đó, và rồi một hôm tôi đọc được ở bảng thông báo: THÔNG TIN TUYỂN NHÂN SỰ CHO CLB TIẾNG ANH. Tôi nói rằng "Mình sẽ ứng tuyển". Tôi phải làm gì đó khác để yêu lấy hành trình thay vì chỉ biết dùi mài kinh sử có vẻ hơi nhàm chán. Thế là tôi ứng tuyển vị trí MC của CLB. Từ đó là một chuỗi hành trình của tôi ở trường và ở CLB, nơi tôi đã phát triển được rất nhiều. Và có một người tôi đã gặp sau đó, thay đổi hoàn toàn định hướng của tôi sau khi ra trường.

(Còn tiếp)

TRẦN KIỀU TRANG
Cựu sinh viên Khóa 2008